Việc xức dầu ô liu đã có truyền thống lâu đời từ thời Cựu Ước sáng đến thời Tân Ước. Nó đã không chỉ là dấu hiệu của niềm vui, sự giàu có và niềm hạnh phúc, mà còn được coi như là một phương dược có khả năng đem lại sức khỏe, làm dịu các đau đớn của thân xác và củng cố sức khỏe cho con người nữa.
Thánh lễ Truyền Dầu là gì?
Thánh lễ Truyền Dầu thường được diễn ra vào sáng thứ Năm Tuần Thánh. Sở dĩ gọi là lễ Truyền Dầu, vì trong Thánh lễ này, Đức Giám mục sẽ hiến thánh Dầu Thánh, làm phép Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng. Dầu này thường được lấy từ cây Ô Liu và được Đức Giám mục giáo phận làm phép với mục đích sử dụng trong các bí tích và phụ tích cho toàn giáo phận mà Ngài trông coi.
Thánh lễ Truyền Dầu cũng còn có ý nghĩa tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập bí tích Truyền Chức Thánh. Trong thánh lễ, các linh mục cũng sẽ lặp lại lời tuyên hứa trong ngày thụ phong, để một lần nữa nhắc nhở các ngài luôn ý thức về bổn phận phải thi hành trong cuộc sống bản thân cũng như các công tác mục vụ và cố gắng từ bỏ chính mình để gắn bó mật thiết với Chúa Kitô.
Ý nghĩa các loại Dầu Thánh
Dầu Thánh được sử dụng trong các Bí tích sẽ có 3 loại SC, OI, OS tương ứng mỗi loại sẽ có ý nghĩa và đối tượng sử dụng khác nhau:
- Dầu Thánh SC (Sanctum Chrisma): được gọi là dầu Chrisma, đây là loại dầu được Đức Giám mục Thánh hiến chứ không phải chỉ được làm phép như hai loại OI và OS. Dầu có pha thuốc thơm và dùng trong ba Bí tích có ghi ấn tín thiêng liêng không thể xóa được: Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức và Bí tích Truyền Chức Thánh. Dầu này còn được dùng để cung hiến bàn thờ và nhà thờ.
- Dầu bệnh nhân OI (Oleum Infirmorum): được làm phép để xức cho các bệnh nhân. Hội Thánh xin Chúa xoa dịu thân xác các bệnh nhân, viếng thăm và làm cho các bệnh nhân được vững mạnh trong đức tin và niềm hy vọng, giải thoát và làm thuyên giảm những đau đớn, phù trợ những người chăm sóc, cứu thoát bệnh nhân, ban sự sống và sức khoẻ cho họ.
- Dầu dự tòng OS (Oleum Sanctum hay Oleum Catechumenorum): được xức cho các dự tòng trước khi Rửa Tội, để qua việc xức dầu này, Hội thánh xin Chúa ban sức mạnh cho các dự tòng biết chống lại tội lỗi và sự ác, tựa như người lực sĩ được xoa bóp dầu trước khi lên võ đài.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1183) nhắc đến việc cất giữ Dầu Thánh trong nhà thờ như sau: “Dầu Thánh (SC) theo truyền thống, được bảo quản và tôn kính tại một nơi chắc chắn trong cung thánh, vì việc xức dầu này là dấu bí tích cho ấn tín ơn Chúa Thánh Thần. Dầu Dự tòng (OS) và Dầu Bệnh nhân (OI) cũng có thể đặt chung ở đó”.
Nguồn tài liệu tham khảo:
- GP Xuân Lộc
- GX Chính tòa Đà Nẵng
- GP Kontum