Nếu đã là một người linh hoạt viên hay một người huynh trưởng – giáo lý viên, thì ngoài vốn liếng sẵn có là những bài hát sinh hoạt, bạn cũng cần trang bị thêm cho bản thân mình những trò chơi sinh hoạt vòng tròn, để khi có cơ hội thì “xuất chiêu” liền nhé!
Sau đây là 10 trò chơi sinh hoạt vòng tròn phổ biến Joseph Tuấn xin chia sẻ đến cho các bạn. Có những trò trong đây, Tuấn đã “biến tấu” lại đôi chút để cho hấp dẫn hơn, với những trò chơi này các bạn có thể sử dụng để sinh hoạt ở bất kỳ đâu: nhà thờ, nhà trường, trại hè…
1. Tôi bảo
Luật chơi: Quản trò nói câu nào có chữ “tôi bảo” thì vòng tròn mới làm theo. Không có thì không được làm theo.
Cách chơi:
- Quản trò: Tôi bảo, tôi bảo
- Người chơi: Bảo gì, bảo gì
- Quản trò: Tôi bảo mọi nguời giơ hai tay lên. (Tất cả phải giơ hai tay lên, ai không giơ sẽ phạm quy)
- Quản trò: Tôi bảo, tôi bảo
- Người chơi: Bảo gì, bảo gì
- Quản trò: Thôi mọi nguời bỏ tay xuống đi. (Ai bỏ tay xuống sẽ phạm quy)
Mẹo chơi:
- Có thể cải biên: không có chữ “tôi bảo” thì làm, có chữ “tôi bảo” thì không làm.
- Móc điện thoại ra, giả bộ alo, rồi nói với vòng tròn: “xin lỗi, các bạn bỏ tay xuống đi”
- “Tôi bảo vỗ tay 1 cái”, “Tôi bảo vỗ tay 2 cái”, “Tôi bảo vỗ tay 4 cái”, “Tôi bảo vỗ tay 7 cái”, “Rất giỏi, cám ơn các bạn, các bạn cho 1 tràng pháo tay”
2. Ta là vua
Cách chơi: Mọi người xếp thành vòng tròn. Quản trò đứng ở giữa, chỉ vào người bất kỳ và hô lên theo 1 trong 2 cách sau:
- Hô “Ngài là vua” và chỉ tay vào người nào thì người đó phải nói nhanh: “Ta là vua” đồng thời đưa 2 tay lên cao hình chữ V. Cùng lúc đó hai người đứng bên cạnh phải lập tức quỳ thấp hơn “người là vua” và hô nhanh: “Muôn tâu bệ hạ” đồng thời chắp 2 tay lại.
- Hô “Ngươi là hầu” và chỉ tay vào người nào thì người đó phải quay ngay sang người bên cạnh (trái hoặc phải) đồng thời nói nhanh: “Muôn tâu bệ hạ”. Thì lập tức người vừa được tâu làm “bệ hạ” cũng phải nói nhanh: “Ta là vua” đồng thời đưa 2 tay lên cao hình chữ V. Cùng lúc này, người bên cạnh của “nhà vua” ở phía còn lại cũng phải nói to: “Muôn tâu bệ hạ”.
Luật chơi: Động tác của “Vua” lẫn “Người hầu” đều phải nhanh, dứt khoát, khi hô phải hô to, rõ và cử chỉ thì cũng phải mạnh dạn, rõ ràng.
Mẹo chơi:
- Quản trò làm hành động nhanh, dứt khoát. Có thể dùng phương pháp “dương Đông kích Tây” để đánh lừa người chơi (Vd: Nhìn vào một người và làm hành động cứ như sẽ chỉ vào người đó nhưng đổi hướng chỉ vào người khác một cách bất ngờ) sẽ dễ làm người chơi luống cuống và dễ nhầm lẫn vai trò của mình.
- “Người làm Vua” nên ở thay đổi tư thế như: cúi thấp xuống, ngồi thụp xuống hay cúi thậm chí cúi người gần sát mặt đất để làm cho người hầu của mình cũng phải thay đổi tư thế theo mình sau cho đầu của “người hầu” không được cao hơn “Vua”.
3. Quảng cáo
Luật chơi: Người chơi chỉ được làm theo hiệu lệnh, không được làm theo hành động của người quản trò.
Cách chơi:
- Quản trò: Omo (đưa tay lên cầm áo)
- Người chơi: Omo (đưa tay lên cầm áo)
- Quản trò: Sunsilk (đưa tay lên cầm tóc)
- Người chơi: Sunsilk (đưa tay lên cầm tóc)
- Quản trò: Biore (đưa tay lên má)
- Người chơi: Biore (đưa tay lên má)
- Quản trò: Bobby (đưa tay lên mông)
- Người chơi: Bobby (đưa tay lên mông)
Mẹo chơi:
- Quản trò làm hành động nhanh, dứt khoát. Cố tình làm sai (Vd: Sunsilk thì đưa lên mông) để tăng tính phản xạ cho người chơi.
- Có thể tiến lại gần một người chơi và dùng phương pháp “dương Đông kích Tây” (Vd: Nhìn vào một người và làm hành động cứ như sẽ chỉ vào người đó nhưng đổi hướng chỉ vào người khác một cách bất ngờ) sẽ dễ làm người chơi luống cuống và dễ nhầm lẫn vị trí của mình.
4. Chanh chua, cua kẹp
Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn. Đưa tay phải lên ngang ngực và xòe lòng bàn tay ra, đồng thời đưa ngon trỏ của tay bên trái vào lòng bàn tay phải của người đứng phía bên trái của mình. Sau đó hô và làm theo hiệu lệnh của quản trò:
- Quản trò: Muối
- Người chơi: Mặn
- Quản trò: Gừng
- Người chơi: Cay
- Quản trò: Chanh
- Người chơi: Chua
- Quản trò: Cua
- Người chơi: Kẹp
Luật chơi:
- Khi quản trò hô tới từ “Cua” thì người chơi ngay lập tức phải đáp lại là “Kẹp”, đồng thời dùng tay phải của mình chụp lấy ngón trỏ của người đứng phía bên phải của mình đang đặt lên tay của mình, nhưng cũng phải nhanh chóng rút ngón trỏ tay trái của mình khỏi lòng bàn người đang đứng phía bên trái của mình.
- Tay của ai bị “Kẹp” sẽ phải “bị phạt”.
Mẹo chơi:
- Quản trò có thể hô từ “Cua” bắt cứ lúc nào để tạo sự phản xạ bất ngờ cho người chơi.
5. Cao – Thấp – Dài – Ngắn
Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn. Sau đó hô và làm theo hiệu lệnh của quản trò:
- Quản trò: Cao (Đưa hai tay trước mặt theo chiều thẳng đứng, tay phải phía trên và tay trái phía dưới, sao cho khoảng cách hai tay xa nhau)
- Người chơi: Cao (Đưa hai tay trước mặt theo chiều thẳng đứng, tay phải phía trên và tay trái phía dưới, sao cho khoảng cách hai tay xa nhau)
- Quản trò: Thấp (Đưa hai tay trước mặt theo chiều thẳng đứng, tay phải phía trên và tay trái phía dưới, sao cho khoảng cách hai tay gần nhau)
- Người chơi: Thấp (Đưa hai tay trước mặt theo chiều thẳng đứng, tay phải phía trên và tay trái phía dưới, sao cho khoảng cách hai tay gần nhau)
- Quản trò: Dài (Đưa hai tay trước mặt theo chiều ngang, sao cho khoảng cách hai tay xa nhau)
- Người chơi: Dài (Đưa hai tay trước mặt theo chiều ngang, sao cho khoảng cách hai tay xa nhau)
- Quản trò: Ngắn (Đưa hai tay trước mặt theo chiều ngang, sao cho khoảng cách hai tay gần nhau)
- Người chơi: Ngắn (Đưa hai tay trước mặt theo chiều ngang, sao cho khoảng cách hai tay gần nhau)
Mẹo chơi:
- Quản trò làm hành động nhanh, dứt khoát. Cố tình làm sai (Vd: “Cao” thì đưa tay làm biểu tượng của “Dài”) để tăng tính phản xạ cho người chơi.
- Có thể tiến lại gần một người chơi và dùng phương pháp “dương Đông kích Tây” (Vd: Nhìn vào một người và làm hành động cứ như sẽ chỉ vào người đó nhưng đổi hướng chỉ vào người khác một cách bất ngờ) sẽ dễ làm người chơi luống cuống và dễ nhầm lẫn vị trí của mình.
6. Đếm sao
Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn. Sau đó tất cả cùng hát bài Đếm sao: Một ông sao sáng, hai ông sáng sao. Tôi đố anh chị nào một hơi đếm hết từ một ông sao sáng đến mười ông sáng sao.
Sau khi hát xong, quản trò sẽ chỉ bất kỳ ai trong vòng tròn, người đó sẽ phải dùng một hơi của mình để đếm. Ví dụ đếm 10 ông sao sẽ phải nói như sau: “1 ông sao sáng, 2 ông sáng sao, 3 ông sao sáng, 4 ông sáng sao, 5 ông sao sáng, 6 ông sáng sao, 7 ông sao sáng, 8 ông sáng sao, 9 ông sao sáng, 10 ông sáng sao”. Sau khi người đó đếm xong thì quản trò bắt lại bài hát và chỉ người khác.
Mẹo chơi: Để tăng độ khó và hấp dẫn hơn cho người chơi, quản trò nên đi từ con số nhỏ đến con số lớn hơn (Vd: đếm 30 – 40 ông sao)
7. Bắn tàu
Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn. Chia thành các đội, mỗi đội 3 người. Quản trò sẽ chỉ định số cho mỗi đội, số này cũng tương ứng với tên tàu (Vd: đội 1 sẽ là tàu 1, đội 2 sẽ là tàu 2,…). Sau khi các đội đã ổn định đội hình thì người quản trò sẽ hô: “Lúc Lắc Bùm tàu số 1” (có thể gọi tàu số khác)
Luật chơi: Khi tàu nào được gọi tên thì người bên phải nói “Lúc”, người bên trái nói “Lắc” và người chính giữa nói “Bùm tàu số…” Nếu đội nào hô chậm, hô sai hoặc hô trúng tàu đã bị chìm thì sẽ sẽ bị dừng cuộc chơi (chìm tàu”
Mẹo chơi:
- Để tăng độ khó cho người chơi, quản trò có thể tăng tốc độ cuộc chơi bằng cách bắt các đội phải đọc nhanh khi tới lượt mình.
- Có thể tăng thêm tính vui nhộn và hấp dẫn bằng cách bắt các thành viên cùng nói: “Lúc Lắc Bùm…” khi nói phải làm động tác lắc hông về bên phải và bên trái. Nếu làm không đều hoặc các thành viên hô không thống nhất thì cũng sẽ bị chìm tàu.
8. Quay sang bên mặt
Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn. Sau đó tất cả cùng hát bài: Quay sang bên mặt, nhìn về bên trái, nếu có thấy ai…
- Quản trò: Nếu ai không cười thì nhéo
- Người chơi: làm theo yêu cầu từ quản trò
Mẹo chơi:
- Trò chơi sinh hoạt vòng tròn này cần sự lanh lợi của quản trò, để nắm bắt và nhận định các yếu tố xung quanh khi vực sinh hoạt để đưa ra những yêu cầu sao cho người chơi vui và không bị nhàm chán. (Vd: nếu ai không quỳ thì đá, nếu ai không bò thì thọc lét, nếu ai không khóc thì nhéo, nếu ai không nhặt rác thì bắt…)
9. Dàn nhạc giao hưởng (phiên bản động vật)
Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn. Chia thành các đội, mỗi đội chọn cho mình một con vật (Vd: chó mèo, gà…) Sau khi các đội đã ổn định đội hình thì cùng hát bài: Nào anh em cùng ra đây, xem chúng em đua nhau chơi nhạc… Sau đó quản trò chỉ đội nào thì đội đó phải dùng tiếng con vật mình đã chọn để hát tiếp bài hát này.
- Quản trò: chỉ đội mèo
- Người chơi đội mèo: mèo méo mèo, mèo méo meo, mèo méo mèo méo meo meo mèo
Mẹo chơi:
- Quản trò tăng độ khó và tạo sự vui nhộn bằng cách chỉ định cho các đội phải thể hiện tiếng các con vật mà nhiều người chưa biết tiếng kêu của chúng. Từ đó các thành viên trong đội phải tự “chế” ra tiếng của các con vật này (Vd: cá sấu, con cua…)
10. Kết chùm, kết chùm
Cách chơi: Người chơi đứng thành vòng tròn.
- Quản trò: Kết chùm, kết chùm
- Người chơi: Kết mấy, kết mấy
- Quản trò: Kết 5 người vào một đội
- Người chơi: Làm theo yêu cầu của quản trò
Mẹo chơi: Để tăng độ khó và hấp dẫn hơn cho người chơi, quản trò có thể đưa ra những yêu cầu như: kết 5 người 5 chân, kết những ai đeo đồng hồ với nhau, kết 2 người 0 chân…