Công giáoTài liệu Công giáo

Các Thánh Tông Đồ chịu bách hại như thế nào?

Như chúng ta đã biết, các Thánh Tông Đồ là những người đã theo Chúa Giê-su trong suốt cuộc hành trình rao giảng, Khổ Nạn và Phục Sinh của Người. Kể từ khi Chúa Giêsu về Trời, các Thánh Tông Đồ đã được trao phó sứ mệnh “đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. (Mc 16, 15).

Nhiều người thắc mắc rằng: Các Thánh Tông Đồ đã chết như thế nào? Nếu đọc trong Tân Ước, ta chỉ thấy được số phận của hai trong số mười hai Tông Đồ: Giuđa, người đã phản bội Chúa Giêsu rồi sau đó đã treo cổ tự tử và Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, người đã bị Hê-rô-đê xử tử vào khoảng năm 44 SCN (Cv 12, 2).

Để trả lời cho câu hỏi: Các Thánh Tông Đồ đã chịu bách hại như thế nào? Thì có rất nhiều tài liệu cũng như giả thuyết nói về cái chết của các Ngài. Sau đây, Joseph Tuấn xin chia sẻ một vài thông tin về cách mà các vị Tông Đồ đã chịu bách hại, mà mình đã tìm hiểu từ một số nguồn tin cậy. Nhưng điều chính yếu ở đây là chúng ta tin rằng, sau khi Chúa Giê-su về Trời, các Tông Đồ đã phân tán khắp nơi để loan truyền Tin Mừng Phục Sinh cho mọi dân nước. Các Ngài đã trải qua nhiều gian khổ trong cuộc hành trình này, đã chịu nhiều sự bách hại và đã dùng chính mạng sống của mình để minh chứng cho Niềm Tin vào Chúa Kitô Phục Sinh.

1. Cái chết của Thánh Phê-rô

thánh phêrô chịu bách hại như thế nào

Đối với nhiều người, Thánh Phê-rô có thể được xem là một vị Tông Đồ có nhiều khuyết điểm nhất nhưng ông cũng là Tông đồ trưởng và cũng là vị Giám mục đầu tiên của Rô-ma. Trước khi gặp Chúa Giê-su, Thánh Phê-rô được biết tới như một người làm nghề chài lưới với tên gọi là Si-môn. Sau khi đi theo Chúa Giê-su, Người đã đổi tên cho ông thành Phê-rô: “Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18).

Mặc dù, Thánh nhân có tâm hồn quảng đại, tốt bụng và rất yêu mến Chúa Giê-su, nhưng khi Đức Giê-su bị bắt, Thánh Phê-rô rất hoảng sợ. Lúc đó, thánh nhân đã chối Chúa ba lần. Sau này, ngài đã ăn năn sám hối  và đã được Chúa Giê-su tha thứ. Theo Tin Mừng Thánh Gio-an, chương 21, sau khi sống lại, Chúa hỏi Phê-rô ba lần: “Con có yêu mến Ta không?” và ông đáp lại: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy.”. Nhờ lời tuyên xứng đó, Chúa Giê-su đã đặt Phê-rô làm thủ lãnh các môn đệ và chăm sóc canh giữ Giáo hội của Người.

Cuối cùng, Thánh Phê-rô đến sống ở Rô-ma là trung tâm của đế quốc La Mã. Tại đó, Thánh nhân đã làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại. Khi cuộc bách hại các Ki-tô hữu xảy ra, họ đã nài xin Phê-rô rời bỏ Rô-ma để thoát thân. Người ta nói rằng Thánh Phê-rô đã thực sự ra đi, nhưng trong một thị kiến ngài đã gặp Đức Chúa Giê-su. Thánh Phê-rô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu vậy?” Đức Chúa Giê-su trả lời: “Ta đến để chịu đóng đinh thêm một lần nữa!”. Ngài nhận ra rằng thị kiến này có ý cho biết ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết vì Đức Giê-su, nên ngài đã quyết định trở lại Rô-ma. Rồi ít lâu sau, Phê-rô đã bị bắt giam và bị kết án tử hình. Bởi vì không phải là công dân Rô-ma, nên Thánh Phê-rô có thể bị đóng đinh và ngài đã sẵn sàng chết cho Đức Giê-su. Thánh Phê-rô xin được chịu đóng đinh ngược với cái đầu trút xuống đất, vì ngài cảm thấy mình chẳng xứng đáng được chịu đau khổ như Đức Giê-su. Thánh nhân đã chịu tử đạo trên đồi Va-ti-can khoảng năm 67 sau công nguyên.

2. Cái chết của Thánh An-rê

thánh anrê tông đồ chịu bách hại như thế nào

Cũng như anh trai mình là thánh Si-môn Phê-rô, thánh An-rê làm nghề đánh cá. Ngài là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả, tuy nhiên, khi Gioan Tẩy Giả giơ tay chỉ về phía Đức Giêsu và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”, Anrê đã lập tức rời bỏ Gioan Tẩy Giả mà đi theo Thầy Chí Thánh. Chúa Giêsu biết Anrê đang bước theo mình thì quay lại hỏi: “Anh tìm gì thế?”. Anrê trả lời rằng mình muốn biết nơi ở của Đức Giêsu. Và Đức Giêsu trả lời: “Hãy đến và xem!”. Từ lúc ấy, Anrê quyết định bước theo Chúa Giêsu và ngài trở thành môn đệ đầu tiên của Người.

Sau đó, thánh Anrê đem anh mình là Simon đến với Chúa Giêsu. Đức Giêsu cũng nhận Simon làm môn đệ của Người. Đầu tiên, hai anh em vẫn tiếp tục nghề đánh cá và phụ giúp gia đình. Sau đó, Chúa Giêsu mời gọi họ bỏ luôn lối sống cũ để trở nên “môn đệ trọn vẹn” của Người và hứa làm cho họ trở thành những ngư phủ đi lưới người ta.

Theo nhiều nguồn tài liệu, từ sau khi Chúa Giêsu về Trời, Thánh Anrê đã đến Hy Lạp và rao giảng Tin Mừng ở vùng A-khai-a. Ngài chịu tử vì đạo tại Patras, Hy Lạp sau khi bị tra tấn bởi bảy người lính, họ trói xác ngài vào Thánh giá hình chữ X bằng dây thừng chứ không đóng đinh, để kéo dài cơn đau đớn. Khi được dẫn về phía thập tự giá, Thánh Anrê đã nói rằng: “Tôi đã mong muốn và mong đợi giờ hạnh phúc này từ lâu. Thập tự giá đã được Thánh hiến bởi chính thân thể của Đấng Kitô treo trên đó”. Ngài tiếp tục rao giảng cho những kẻ tra tấn mình trong hai ngày cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Vài thế kỷ sau, hài cốt của ông đã được đem qua xứ Tô Cách Lan (Scotland). Chiếc tàu chở hài cốt bị đắm gần bờ biển, nơi mà ngày nay gọi là St. Andrew’s Bay. Từ đó, Thánh Anrê trở thành bổn mạng của quốc gia này.

3. Cái chết của Thánh Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê

thánh giacôbê tông đồ chịu bách hại như thế nào

Giacôbê là một ngư phủ giống như cha Dêbêđê và em mình là Gioan. Chúa Giêsu gọi Giacôbê và Gioan theo Người để làm ngư phủ lưới người khi hai ông đang giúp vá lưới cùng cha ở trên thuyền.

Cùng với hai Thánh Phêrô và Gioan, Thánh Giacôbê được xem là những môn đệ tâm giao của Đức Giêsu, được chứng kiến một số dấu lạ của Đức Giêsu trong khi các môn đệ khác không được xem thấy như: dấu lạ làm cho con gái ông Giairô sống lại và Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi.

Thánh Giacôbê đã bắt đầu sứ vụ của mình với cá tính của một người trực ngôn, bốc đồng. Có lần người mẹ của Thánh nhân đã thẳng thắn xin Đức Giêsu về chỗ danh dự trong nước trời. Lần khác, ngài đã đòi Đức Giêsu giáng lửa từ trời xuống thiêu đốt các làng không đón tiếp Chúa. Nhưng thánh Giacôbê đã tin tưởng vào Chúa Giêsu rất mực. Sau cùng, thánh nhân đã trở nên khiêm tốn và hiền từ, nhờ đó mà ngài được ban cho vinh dự là tông đồ đầu tiên lãnh nhận phúc tử đạo vì Chúa Giêsu. Trong chương thứ 12 sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết vua Hêrôđê Agrippa đã dùng gươm chặt đầu Thánh Giacôbê tại Giêrusalem vào khoảng năm 44 sau công nguyên. Viên sĩ quan La Mã canh giữ Giacôbê đã kinh ngạc khi nhìn thấy ngài bảo vệ đức tin của mình tại phiên tòa xét xử. Chính vì thế, sau khi áp giải Giacôbê đến nơi hành quyết, viên sĩ quan này đã vượt qua nỗi sợ hãi để tuyên xưng Đức Tin của mình với vị thẩm phán và quỳ xuống bên cạnh Giacôbê để chấp nhận chặt đầu vì là một Kitô Hữu.

4. Cái chết của Thánh Gio-an

thánh gioan tông đồ chịu bách hại như thế nào

Thánh Gioan là một ngư phủ miền Galilêa và được mời gọi làm tông đồ cùng với người anh trai của mình là thánh Giacôbê. Chúa Giêsu đã ban cho hai người con này của ông Dêbêđê biệt hiệu là “con của sấm sét”. Thánh Gioan là tông đồ trẻ nhất và người ta tin rằng thánh nhân là “vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu quý”.

Trong bữa Tiệc Ly, chính thánh Gioan đã được tựa đầu vào ngực Đức Chúa Giêsu. Thánh nhân cũng là vị tông đồ duy nhất đứng dưới chân Thánh Giá. Chúa Giêsu, trong khi hấp hối, đã trao phó Mẹ yêu dấu của Người cho vị tông đồ yêu quý này. Và quay sang nhìn Mẹ, Chúa Giêsu nói: “Này là Mẹ con!” (Ga 19,27).

Một số nguồn tài liệu nói rằng, Thánh Gioan đã từng đối mặt với sự tử đạo trong một lần bắt đạo tại Rôma, khi ngài bị đun sôi trong một chảo dầu sôi khổng lồ. Tuy nhiên, ngài đã được thoát khỏi cái chết một cách kỳ diệu. Thời gian sau, Gioan bị kết án khổ sai trong hầm mỏ trên đảo Patmos, tại đây ngài đã viết Sách Khải Huyền. Thánh Gioan sau đó được trả tự do và trở lại làm Giám mục Edessa (Thổ Nhĩ Kỳ).

Sau khi Chúa về Trời, Gioan và Phêrô là cột trụ của Hội Thánh tại Giêrusalem. Trong những năm cuối đời, Thánh Gioan sống ở Êphêsô, viết sách Tin Mừng và 3 lá thư. Người ta tin rằng ngài đã sống thọ gần 100 tuổi, là vị tông đồ duy nhất không phải chịu tử đạo cũng như là vị tông đồ chết sau cùng trong Nhóm Mười Hai.

5. Cái chết của Thánh Phi-líp-phê

thánh philípphê tông đồ chịu bách hại như thế nào

Cũng như Thánh Anrê, Philipphê cũng là một môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả, và là một trong số những tông đồ đầu tiên đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Ngài sinh tại Bétsaiđa, miền Galilêa. Đức Giêsu gặp ngài và bảo “Hãy theo Ta!”, Philipphê cảm thấy rất hạnh phúc và sung sướng được ở với Đức Chúa Giêsu và ngài muốn san sẻ niềm vui sướng ấy với người bạn Nathanael của ngài: “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng ta đã gặp. Đó là ông Giêsu, người Nazareth”.

Trong những năm sau Biến Cố Ngũ Tuần, Thánh Philípphê được cho là đã giúp cho các cộng đồng người Scythe trên biển Hắc Hải, Hy Lạp và Tiểu Á. Không có nhiều tài liệu nói về công cuộc rao giảng Tin Mừng của ngài, ngoại trừ việc ngài tử đạo ở Hiérapolis, Phrygia (ngày nay thuộc phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ) vào khoảng năm 80 sau công nguyên, nhưng một vài nguồn tài liệu khác lại cho rằng ngài chết do tuổi già. Thánh tích của ngài hiện được đặt tại Nhà thờ Santi Apostoli, Rôma.

6. Cái chết của Thánh Ba-tô-lô-mê-ô

thánh batôlômêô tông đồ chịu bách hại như thế nào

Thánh Batôlômêô còn được biết tới với tên gọi khác là Nathanael, quê ở Cana, xứ Galilêa. Ngài trở thành môn đệ của Đức Giêsu khi anh bạn Philipphê mời ngài tới và gặp Đức Giêsu. Nathanael đã được Đức Giêsu khen ngợi vừa khi mới gặp: “Đây đích thực là người không có gì gian dối” (Ga 1,47). Chúa Giêsu biết Nathanael thật đúng là người lương thiện và chân thành. Nathanael rất đỗi ngạc nhiên khi nghe Đức Giêsu nói như vậy. Ngài hỏi Chúa: “Sao Người biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời: “Trước lúc Philipphê gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi đang ở dưới cây vả.” . Nathanael hẳn là phải nhận thấy Đức Giêsu đã đọc được tâm hồn của ngài lúc ngài cầu nguyện. “Lạy Thầy” Nathanael kêu lên, “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel” (Ga 1,49). Và Nathanael đã trở thành một trong các tông đồ trung thành của Đức Giêsu.

Cũng như các tông đồ khác, Batôlômêô, đã rao giảng và đã liều mất mạng sống mình vì Tin mừng. Người ta nói rằng thánh nhân đã tới Ấn Độ, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nơi khác nữa. Đáng chú ý, là ngài đã cải đạo thành công cho vua Armenia là Polymius. Tức giận trước sự cải đạo của người anh, hoàng thân Astyages ra lệnh tra tấn và giết chết thánh Batôlômêô bằng cách lột da sống và chặt đầu.

7. Cái chết của Thánh Tô-ma

thánh tôma tông đồ chịu bách hại như thế nào

Tôma trong tiếng Syria có nghĩa là “sinh đôi.” Một lần kia, khi Chúa Giêsu tỏ cho biết Người sẽ lên Giêrusalem để nộp mình chịu chết, thì các tông đồ khác đã ngăn cản Thầy lại, nhưng thánh Tôma nói với họ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy đi và cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).

Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ nhưng lúc ấy Tôma vắng mặt. Khi gặp lại Tôma, các tông đồ hồ hởi nói: “Chúng tôi đã được xem thấy Chúa”. Họ tưởng là Tôma rất vui. Ai ngờ ông lại không tin những gì các tông đồ kia vừa loan báo: “Nếu tôi không nhìn thấy các dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh, nếu tôi không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các tông đồ, lần này có mặt Tôma. Chúa Giêsu gọi Tôma và bảo hãy chạm tay vào các lỗ đinh và vào vết thương ở cạnh sườn Người. Tôma liền sấp mình xuống dưới chân Thầy Chí Ái và kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi”. Sau đó, Chúa Giêsu nói: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Sau ngày lễ Hiện Xuống, Tôma được kiện cường trong Đức Tin và thánh nhân đã tín thác vào Đức Chúa Giêsu hơn. Các tài liệu cho rằng thánh Tôma đã sang tận Ấn Độ để rao giảng Tin mừng và tử đạo ở đó, sau khi rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu cho nhiều người.

8. Cái chết của Thánh Mát-thêu

thánh mátthêu tông đồ chịu bách hại như thế nào

Thánh Mátthêu là một người thu thuế trong thành Caphanaum nơi Đức Chúa Giêsu sinh sống. Thánh nhân là người gốc Do Thái nhưng lại làm việc cho người Rôma, lúc ấy đang cai trị những người Do Thái. Vì lý do này, những người Do Thái bản xứ rất căm ghét Mátthêu. Họ không làm bất cứ thứ gì chung với “những hạng tội lỗi công khai” này, như những người thu thuế giống Mátthêu vậy.

Thế nhưng, Đức Chúa Giêsu lại không cảm thấy như vậy. Ngày kia, thấy Mátthêu đang ngồi ở bàn thu thuế, Đức Giêsu liền nói: “Hãy theo Ta” Lập tức Mátthêu bỏ lại tiền bạc và địa vị mà đi theo Đức Giêsu, trở thành một trong số mười hai tông đồ của Người. Sau đó, Mátthêu đã làm một bữa tiệc rất thịnh soạn để thết đãi Chúa Giêsu.

Ngài cũng mời các bạn bè cùng làm nghề thu thuế như ngài tới gặp Đức Giêsu và nghe Người dạy bảo. Có vài người đã bắt lỗi Chúa vì Người dám đồng bàn với những người mà họ cho là “quân tội lỗi”. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã có sẵn câu trả lời: “Những người mạnh khỏe thì không cần đến thầy thuốc; chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, mà là để kêu gọi những người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Mt 9,12).

Sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Mátthêu đã ở lại Palestina trong một thời gian và rao giảng cho dân chúng nghe biết về Đức Giêsu. Ngài cũng là tác giả của một trong ba cuốn Tin Mừng nhất lãm. Thánh Mátthêu là vị tông đồ có kiến thức nhất trong số mười hai, nói và viết được các ngôn ngữ Aramaic, Hy Lạp và La Tinh. Ngài được cho là đã tử đạo ở phần đất gần với lãnh thổ Ai Cập ngày nay.

9. Cái chết của Thánh Gia-cô-bê con ông An-phê

thánh giacôbê tông đồ con ông Anphê chịu bách hại như thế nào

Thánh Giacôbê con của ông Anphê thường được gọi là Thánh Giacôbê hậu bới ông trẻ tuổi hơn để phân biệt với một tông đồ khác cùng tên là Thánh Giacôbê con ông Dêbêđê, người được gọi là Giacôbê tiền. Ngài là anh em với thánh Giuđa Tađêô. Trong các sách Tin Mừng nhất lãm, các tác giả Mátthêu, Maccô, Luca mỗi vị chỉ nhắc đến một lần duy nhất, với cùng một nội dung, đó là một sơ yếu lí lịch chỉ gồm có hai thông tin: tên gì và con ai. Không ai biết quê hương, chẳng ai biết nghề nghiệp, chẳng ai biết khả năng của ngài là gì. Nhưng một điều chắc chắn rằng, thánh Giacôbê đã góp rất nhiều công sức xây dựng nền móng vững chắc cho các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Người ta rất coi trọng Giacôbê đến nỗi họ gọi ngài là “Giacôbê công chính”.

Trước khi các Tông đồ tản mác mỗi người một nơi, thì họ chỉ định thánh Giacôbê làm Giám mục Giêrusalem. Ngài là linh hồn của cộng đoàn Giêrusalem. Vì ngài đã làm cho nhiều người trở lại với Đức Giêsu nên bị bản án ném đá. Ngài đã chịu tử đạo đang khi quỳ gối cầu nguyện cho tên lý hình đang kết thúc đời Ngài bằng một thanh sắt giáng xuống trên người, trong thời điểm mừng lễ Vượt Qua (Theo “Tự điển các thánh”, trang 268-269 và trang 159).

10. Cái chết của Thánh Giu-đa Ta-đê-ô

thánh giuđa tađêô tông đồ chịu bách hại như thế nào

Thánh Giuđa, biệt danh Tađêô có nghĩa là “người can đảm”, ngài là con ông Giacôbê, là cháu của Đức Mẹ và thánh cả Giuse, và là bà con của Đức Giêsu. Thánh nhân được biết tới vì câu hỏi ngài đặt ra cho Đức Giêsu trong bữa ăn tối khi Chúa nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Và thánh Giuđa muốn biết: “Lạy Chúa, làm sao Chúa lại tỏ mình ra cho chúng con mà lại không tỏ cho thế gian?”. Chúa Giêsu trả lời Giuđa: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến với người ấy và ở trong người ấy” (Ga 14,23).

Vào cuối thế kỷ XVIII, ở tại Pháp và Đức, Thánh Giuđa được gọi là “vị thánh của những trường hợp tuyệt vọng”, người ta thường cầu xin Ơn Chúa qua Thánh nhân khi gặp những sự việc tưởng chừng như vô vọng.

Thánh Giuđa Tađêô còn là tác của một bức thư nằm trong Kinh Thánh Tân Ước, được viết vào khoảng năm 65-80 sau công nguyên. Nhiều nguồn tài liệu cho rằng ngài đã rao giảng Tin Mừng ở Giuđê, Samaria, Edom, Syria, Lybia, khu vực Lưỡng Hà và chịu tử đạo bởi nhiều mũi tên bắn vào người ở Armenia (lúc đó thuộc Ba Tư).

11. Cái chết của Thánh Si-mon

thánh simon tông đồ chịu bách hại như thế nào

Thánh Máccô gọi ngài là Simon Nhiệt Thành, trong khi đó Thánh Luca gọi ngài là Simon thuộc nhóm Quá Khích. Lý do vì ông thuộc một đảng phái chính trị gồm những người ái quốc cuồng nhiệt, họ là một nhóm người Do Thái tin tưởng ở sự độc lập của Ít-ra-en và không hợp tác với Rôma.

Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Simon đến rao giảng dạy Ai Cập. Khi đã thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, thì ngài cùng với Thánh Giuđa Tađêô như được ơn Chúa thôi thúc để cùng nhau đi sang Ba Tư. Chính tại nơi đây, hai ngài đã đem Tin Mừng tới và cũng chính tại nơi đây mà các ngài được diễm phúc lãnh nhận cái chết để tôn vinh Ðức Kitô như các anh em tông đồ khác. Một số nguồn tài liệu cho rằng Thánh Simon chịu tử đạo bằng cách đóng đinh, trong khi một số khác lại cho rằng ngài bị cưa thân thể ra làm đôi.

12. Cái chết của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt

giuđa ítcariốt tông đồ đã chết như thế nào

Giuđa Ítcariốt hay Giuđa bán Chúa là một trong Nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu chọn gọi và được biết tới như là người giữ quỷ chung của Chúa Giêsu và các tông đồ. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã cho biết rằng một trong số họ phản bội Người. Các môn đệ liền hỏi người ấy là ai, Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy” (Ga 13,26).  Rồi Ngài chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Lúc này, Thánh sử Gioan lại đề cập sự ảnh hưởng của Satan: “Y vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y” (Ga 13,27a). Sau đó, Giuđa tiến vào đền thờ và đề nghị phản bội Giêsu để đổi lấy 30 đồng bạc.

Sau khi Chúa Giêsu bị nộp cho người Do Thái, Giuđa Ítcariốt đã cảm thấy hối hận, y đã đem trả lại 30 đồng bạc và đi treo cổ tự tử (theo Mt 27, 3-10). Nhưng theo sách Công Vụ Tông Đồ chương 1, câu 18 thì y đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất, y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra.

13. Cái chết của Thánh Mát-thi-a

thánh mátthia tông đồ chịu bách hại như thế nào

Đây là vị tông đồ được chọn để thay thế kẻ phản bội Giuđa Ítcariốt. Tài liệu duy nhất đáng kể về thánh Mátthia là tường thuật của sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 1,15-26). Theo điều kiện mà thánh Phêrô đưa ra để chọn người thế chân cho Giuđa trong Nhóm Mười Hai. Chúng ta biết Thánh Mátthia là một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu, ngài đã theo Chúa Giêsu từ lúc Người chịu phép rửa của ông Gioan tẩy Giả cho đến ngày Chúa về Trời

Khi Chúa Giêsu đã về trời, các tông đồ vâng lệnh Chúa trở về Giêrusalem cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần đến. Họ gặp nhau lại khoảng 120 người. Lúc ấy Phêrô lên tiếng nhắc lại sự Giuda phản bội và kết luận: “Phải chọn lấy thêm một người để cùng chúng tôi làm chứng tá cho sự sống lại của Chúa Giêsu”. Cộng đoàn đã đề cử hai người xem ra xứng đáng nhất, với vinh dự này là Giuse, gọi là Barsabba biệt danh là Giustô và Matthia. Thế rồi họ cầu nguyện và bắt thăm chọn người Chúa muốn. Matthia đã trúng và nhập vào nhóm mười hai tông đồ.

Vị tân tông đồ, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, đã ra đi rao giảng Phúc âm từ Giuđêa tới tận Ethiopie và làm cho vô số người tin vào Đức Kitô. Sau cùng, ngài bị ném đá và bị chặt đầu dưới thời Nerô vào năm 63. Theo dân Hy lạp, Thánh Matthia đã mang Kitô giáo đến miền Cappadôcia rồi bị đóng đinh vào thập giá ở Côlehis. Và xác Ngài được đưa về Giêrusalem. Một phần các xương của Thánh nhân vẫn còn ở đền thờ Đức Bà Cả, nơi thánh nhân đã làm nhiều phép lạ.

14. Cái chết của Thánh Phao-lô

thánh phaolô tông đồ chịu bách hại như thế nào

Thánh Phao-lô có tên gọi khác là Sao-lô, tuy là người Do thái, thuộc chi họ Benjamin, nhưng sinh ra và lớn lên ở Tarsus, thủ phủ của tỉnh Cicilia, nay là miền nam Thổ nhĩ kỳ. Lúc nhỏ được giáo dục ở Tarsus là một trung tâm nổi tiếng về văn hóa và triết học. Lớn lên, Sao-lô được gởi lên Giê-ru-sa-lem, học với Thầy Gamaliel Cả, theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhóm Biệt phái. Sao-lô là một người lỗi lạc trong lãnh vực văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa chính thời đó là Hy lạp, La tinh và Do thái. Ngài thuộc lòng Kinh Thánh của người Do thái, tức là bộ Cựu Ước. Sao-lô hết sức nhiệt thành đối với truyền thống của cha ông.

Do sống cùng thời với Đức Giê-su và là người thuộc trường phái Pha-ri-sêu, chắc chắn Sao-lô rất ghét Đức Giê-su vì Người đang phá đổ những gì mà ông nhiệt thành tin tưởng. Sau cái chết của Đức Giê-su, ông tưởng đâu phong trào “lạc giáo” đó cũng tan theo. Nhưng ngược lại, những kẻ theo “con đường” càng ngày càng đông. Sao-lô phải điên lên, ông xin trát để lùng bắt tất cả những người theo “Đạo” và đưa về Giê-ru-sa-lem trừng phạt. Nhưng một biến cố xảy ra. Vào khoảng năm 33-35, trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Đa-mát để bắt bớ người theo Đạo, Sao-lô đã bị quật ngã và từ đó ông đã hoàn toàn thay đổi. Chính Chúa Ki-tô Phục sinh đã đích thân chọn ông làm tông đồ của Ngài.

Theo các tài liệu để lại, vào năm 65, Thánh tông đồ Phaolô xứ Tarsus đã bị cầm tù tại Rome, bị chặt đầu và được chôn trong hầm mộ gia đình của một phụ nữ quý tộc La Mã mộ đạo, bà Matrona Lucilla. Vào khoảng năm 320, đại đế Constantine đã cho xây nhà thờ nhỏ đầu tiên để tiếp nhận những người hành hương đến thăm mộ của Thánh tông đồ Phaolô. Đến năm 390, đại đế Theodosius quyết định mở rộng nơi này và cho di hài của Thánh tông đồ Phao-lô vào một quan tài đá được đặt ở giữa nhà thờ.

Vào năm 433, một phần của nhà thờ bị sụp đổ do động đất. Trong quá trình trùng tu, sàn nhà thờ đã được nâng lên, thế là quách bằng đá bị chôn vùi và được gắn bia mộ cẩm thạch lên trên có khắc dòng chữ Latinh “Paulo Apostolo Mart.” nghĩa là “Thánh tông đồ Phao-lô, tử vì đạo”

Vào năm 1823, một trận hỏa hoạn đã phá hủy hoàn toàn nhà thờ cổ đại, và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô Ngoại thành đã được xây lên trên nền phế tích. Theo đó Vương cung Thánh đường “được xây dựng trên địa điểm mà theo truyền thống là nơi chôn cất ban đầu của Phao-lô xứ Tarsus sau khi ngài tử vì đạo”. “Chiếc quan tài đá và bia mộ được bao phủ bằng bê tông và các mảnh vụn, bên trên là bàn thờ chính được gọi là Bàn thờ Giáo hoàng”.

 

Nguồn tham khảo: tinmung.net, TGP SG, CNA, Britannica, Monastery

0 0 votes
Đánh giá bài viết

thiết kế website công giáo cho giáo xứ, hội đoàn, dòng tu
Nhận thông báo
Thông báo khi
guest
2 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
Jimmy

Bây giờ làm sao biết được chính xác địa điểm mộ của thánh Paulo ở Israel?

Bài viết liên quan

Back to top button
Trở lại
Messenger
Telegram
Email
    error: © Joseph Tuan

    Adblock Detected

    Hãy ủng hộ mình bằng cách tắt trình chặn quảng cáo nhé!