Kỹ năng

Những trò chơi sinh hoạt tập thể tổ chức trên sân khấu

Các trò chơi trên sân khấu đòi hỏi người linh hoạt viên, quản trò phải ứng biến cách tinh tế sao cho các tham dự viên vừa cảm thấy thật hào hứng trong khi chơi vừa vẫn đảm bảo yếu tố ít di chuyển. Vì đa phần trong hình thức sinh hoạt này, các tham dự viên đang phải xếp hàng hoặc đang ngồi trong các hàng ghế, việc di chuyển quá nhiều khi chơi sẽ làm ảnh hưởng đến trật tự trong việc tổ chức chương trình, sự kiện.

Khác với những hình thức sinh hoạt vòng tròn hay sinh hoạt tập thể ngoài trời, nhìn chung sẽ có nhiều cách thức tổ chức và các trò chơi sinh hoạt sẽ đa dạng hơn nếu so với tổ chức trong khán phòng hay hội trường có yếu tố sân khấu. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các trò chơi sinh hoạt trên sân khấu sẽ nghèo nàn và nhàm chán hơn. Sau đây, Joseph Tuấn xin chia sẻ một vài trò chơi trên sân khấu hay mà trong quá trình đi tổ chức sinh hoạt đây đó, mình đã tích lũy được.

1. Này bạn vui

Người chơi làm theo lời hát của quản trò.

  • Quản trò: Này bạn vui mà muốn tỏ ra, thì đập đôi tay.
  • Người chơi: Vỗ đôi tay.
  • Quản trò: Này bạn vui mà muốn tỏ ra, thì đập đôi tay.
  • Người chơi: Vỗ đôi tay.
  • Quản trò: Này bạn vui mà muốn tỏ ra, và lòng bạn nôn nao muốn cho quanh đây biết rằng, bạn vui mà muốn tỏ ra thì đập đôi tay.
  • Người chơi: Vỗ đôi tay.

Biến tấu: Có thể thay hành động đập đôi tay bằng cách hành động khác như: giậm đôi chân (trong khi giậm chân thì miêng hô “bịch bịch”), gật đầu đi (trong khi gật đầu thì miêng hô “hự hự”), làm cả ba (vừa vỗ tay, giậm chân và gật đầu), hoặc các hành động khác sao cho phù hợp với hoàn cảnh tổ chức.

 

2. Vỗ tay cho đều

Người chơi cùng hát và làm theo yêu cầu của quản trò.

  • Quản trò: Vỗ cái tay cho đều, mình cũng vỗ cái tay cho đều. A í a mình vỗ cái tay cho đều.
  • Người chơi: Vỗ đôi tay.
  • Quản trò: Nhún cái chân cho đều, mình cùng nhún cái chân cho đều. A í a mình nhún cái chân cho đều.
  • Người chơi: Nhún cái chân như hành động thụt dầu.
  • Quản trò: Lắc cái mông cho đều, mình cùng lắc cái mông cho đều. A í a mình lắc cái mông cho đều.
  • Người chơi: Lắc cái mông.
  • Quản trò: Đấm cái lưng cho đều, mình cùng đấm cái lưng cho đều. A í a mình đấm cái lưng cho đều.
  • Người chơi: Đấm lưng cho người phía trước.

Biến tấu: Có thể thay bằng nhiều hành động khác để tăng tính tương tác với người xung quanh như: Vuốt mái tóc, vuốt cái má, bắt cái tay, đá cái chân… Hoặc kết hợp nhiều hành động cùng một lần (VD: Vỗ cái tay cho đều, mình cũng vỗ cái tay cho đều. Nhún cái chân cho đều, mình cùng nhún cái chân cho đều. Lắc cái mông cho đều, mình cùng lắc cái mông cho đều. Đấm cái lưng cho đều, mình cùng đấm cái lưng cho đều. A í a, mình vỗ cái tay, mình nhún cái chân, mình lắc cái mông, mình đấm cái lưng cho đều).

 

3. Chịu chơi

Người chơi cùng hát và làm theo yêu cầu của quản trò.

  • Quản trò: Chịu chơi, chịu chơi, chịu chơi sức mấy mà buồn (2 lần). Buồn là cù lần, không buồn là chịu chơi. Chịu chơi, chịu chơi, chịu chơi.
  • Người chơi: Vỗ tay theo lời bài hát nhưng khi đến chữ “buồn” thì vỗ chéo tay để không phát ra tiếng kêu.

Biến tấu: Khi hát đến chữ “buồn” thì người chơi vừa vỗ chéo tay và vừa không hát ra tiếng chữ “buồn” hoặc khi đến khúc chữ “buồn” thì người chơi thụt dầu một cái… hoặc các hành động khác sao cho phù hợp với hoàn cảnh tổ chức.

 

4. Ngón tay nhúc nhích

Người chơi cùng hát và làm theo yêu cầu của quản trò.

  • Quản trò: Một ngón tay nhúc nhích này, một ngón tay nhúc nhích này, một ngón tay nhúc nhích cũng đủ làm ta vui rồi.
  • Người chơi: Đưa một ngón tay lên và nhúc nhích.
  • Quản trò: Hai ngón tay nhúc nhích này, hai ngón tay nhúc nhích này, hai ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích cũng đủ làm ta vui rồi.
  • Người chơi: Đưa hai ngón tay lên và nhúc nhích.
  • Quản trò: Ba ngón tay nhúc nhích này, ba ngón tay nhúc nhích này, ba ngón tay nhúc nhích, nhúc nhích, nhúc nhích cũng đủ làm ta vui rồi.
  • Người chơi: Đưa ba ngón tay lên và nhúc nhích.

Biến tấu: Tăng số lượng ngón tay lên từ 5, 10, 15, 20… nhưng bắt buộc người chơi phải đến số lần nhúc nhích trong một hơi.

 

5. Ồ sao bé không lắc

Người chơi cùng hát và làm theo yêu cầu của quản trò.

  • Quản trò: Đưa hai tay lên cao, mình nắm lấy cái tai, mình lắc lư cái đầu. Ồ sao bé không lắc, ồ sao bé không lắc. Là là la la.
  • Người chơi: Đưa thẳng hai tay lên cao, sau đó nắm lấy cái tai làm hành động lắc lư cái đầu. Câu “ồ sao bé không lắc” lần đầu thì quay sang người bên trái, tay trái chống hông và ngón trỏ tay phải chỉ về người bên trái. Câu “ồ sao bé không lắc” lần hai thì quay sang người bên phải, làm hành động tương tự.
  • Quản trò: Đưa hai tay lên cao, mình nắm lấy cái chân, mình lắc lư cái đùi. Ồ sao bé không lắc, ồ sao bé không lắc. Là là la la.
  • Người chơi: Đưa thẳng hai tay lên cao, sau đó nắm lấy cái chân làm hành động lắc lư cái đùi. Câu “ồ sao bé không lắc” lần đầu thì quay sang người bên trái, tay trái chống hông và ngón trỏ tay phải chỉ về người bên trái. Câu “ồ sao bé không lắc” lần hai thì quay sang người bên phải, làm hành động tương tự.

Biến tấu: Thay đổi những bộ phận khác trên cơ thể để tạo thêm phần hào hứng như: nắm lấy cái hông, lắc lư cái mình…

 

6. Ta ca ta hát

Người chơi cùng hát và làm theo yêu cầu của quản trò.

  • Quản trò: Tang tang tang tình tang tính. Ta ca ta hát vang lên, hát lên cho đời tươi thắm, hát lên cho quên nhọc nhằn. Cùng nhau ta ca hát lên, cho át tiếng chim trong rừng, cho tiếng suối reo phải ngừng, cho rừng xanh đón chờ ta, la la la.
  • Người chơi: Vỗ tay và hát theo quản trò.

Biến tấu 1:

  • Quản trò: Ta ca ta ngồi ta đứng. Ta ca ta đứng ta ca, đứng ca ta ngồi ta ca, Đứng ca ta ca ta ngồi. Ngồi ca ta ca đứng ca, ta đứng đứng ca ca ngồi, ta đứng đứng ca ca ngồi, ca ngồi ca đứng ngồi ca, la la la.
  • Người chơi: Làm các hàng động đứng ngồi theo lời bài hát.

Biến tấu 2:

  • Quản trò: Thau thau thau thùng thau thúng. Thau thau thau thúng thau thau. Thúng thau thau thùng thau thau, thúng thau thau thau thau thùng. Thùng thau thau thau thúng thau, thau thúng thúng thau thau thùng. Thau thùng thau thúng thùng thau, thau thau thau.
  • Người chơi: Thau thì vòng tròn hai tay phía trước mặt. Thùng thì đưa một tay trên cao, một tay dưới thấp. Thúng thì đưa thẳng hai tay ra trước mặt.

 

7. Đố vui Kinh Thánh

Quản trò chuẩn bị trước một số câu đố vui Kinh Thánh, một bản nhạc nền sôi động để mở trong lúc chơi và mời một số bạn lên sân khấu.

Luật chơi: người chơi nào trả lời sai sẽ mời đứng sang một bên, người chơi tiếp theo sẽ trả lời câu hỏi đã trả lời sai của người chơi trước đó. Cuối cùng người chơi nào có số câu trả lời đúng nhiều nhất là người chiến thắng.

Câu hỏi gợi ý:

  • Vị Thánh nào không ăn kem? – Thánh Anrê (vì Anrê đọc lái là Ê răng)
  • Vị Thánh nào đội bốn cái mũ (nón)? – Thánh Batôlômêô (vì trong tên có bốn dấu ^)
  • Thánh nào có 6 cánh tay? – Thánh Gia (Thánh Gia gồm Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse)
  • Thánh nào bán chạy nhất? – Thánh Kinh (Thánh Kinh là cuốn sách bán chạy và nhiều nhất trên thế giới)

 

Mô hình chung cho các trò chơi sinh hoạt có yếu tố sân khấu đòi hỏi người linh hoạt viên phải có nhiều vốn liếng bài hát sinh hoạt, nhất là những bài có cử điệu, từ đó chúng ta sẽ sáng tạo ra “những biến thể” cho các bài hát đó. Điều quan trọng là “những biến thể” này phải mang tính giáo dục cho thanh thiếu niên. Hiện nay, các tổ chức đoàn thể ở ngoài xã hội, cũng có nhiều trò chơi sinh hoạt theo mô hình sân khấu hóa, nhưng đa phần trong số này đều rất tục tiểu và phản giáo dục. Là một người linh hoạt viên, huynh trưởng hay quản trò, chúng ta nên tiếp thu có chọn lọc và không nên chia sẻ hay cổ súy cho những trò chơi phản giáo dục này.

0 0 votes
Đánh giá bài viết

thiết kế website công giáo cho giáo xứ, hội đoàn, dòng tu
Nhận thông báo
Thông báo khi
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments

Bài viết liên quan

Back to top button
Trở lại
Messenger
Telegram
Email
    error: © Joseph Tuan

    Adblock Detected

    Hãy ủng hộ mình bằng cách tắt trình chặn quảng cáo nhé!