Một hệ thống camera quan sát có hình ảnh bị nhiễu gợn sóng sẽ làm giảm hiệu quả trong việc giám sát an ninh. Và trong trường hợp sự cố xảy ra, cần truy xuất lại thì dữ liệu hình ảnh chắc chắn sẽ không được liên tục hoặc sẽ bị hạn chế chất lượng do bị nhiễu sọc. Chính vì thế việc tìm ra nguyên nhân và khắc phục nhanh chóng tình trạng camera bị gợn sóng là một việc làm rất quan trọng.
Hiện tượng camera bị nhiễu sóng cũng như tín hiệu chập chờn trong hệ thống CCTV có thể sẽ rất khó xử lý vì nó xảy ra không liên tục, đôi khi chỉ xảy ra ban đêm, đôi khi có lúc bị lúc không… Nên việc khắc phục tình trạng lỗi này sẽ cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, Joseph Tuấn xin đưa ra một vài gợi ý sau đây, hi vọng sẽ giúp các anh em xứ lý triệt để lỗi camera Analog và camera IP bị nhiễu.
I. Vấn đề về nguồn cấp
Việc thường xuyên mất điện hoặc điện áp cung cấp không đủ là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho camera giám sát bị giảm hiệu năng. Nhất là vào ban đêm, khi các camera phải bật Led hồng ngoại thì sẽ tiêu hao điện áp rất lớn. Nếu điện áp không đủ cấp sẽ gây ra hiện tượng chập chờn (hình ảnh lúc có, lúc không) hoặc hình ảnh camera bị gợn sóng.
Thông thường, một camera sẽ sử dụng nguồn điện một chiều DC với hiệu điện thế 12VDC. Tuy nhiên, cũng có một vài loại camera sử dụng hiệu điện thế xoay chiều 24VAC. Điều quan trọng là đa số các loại camera này đều hỗ trợ khả năng chịu tải với mức chênh lệch điện áp ±10%. Ví dụ: Camera dùng nguồn 12VDC có thể hoạt động ở mức điện áp tối thiểu -10% (10.8VDC) và mức điện áp tối đa +10% (13.2VDC). Điện áp này sẽ suy hao rất nhiều khi camera bật hồng ngoại, nên cần phải đảm bảo nguồn cấp trong khoảng 10.8 – 13.2VDC cho camera vào ban đêm.
Thông số dòng điện (Ampe) cũng rất quan trọng, mức tối thiểu phổ biến hiện nay dùng cho camera là 1A. Việc dùng nguồn có dòng điện lớn hơn 1A sẽ không ảnh hưởng gì, tuy nhiên, việc để thiếu dòng (nhỏ hơn 1A) sẽ làm giảm hiệu năng cũng như tuổi thọ của camera. (Tham khảo: Một số bộ nguồn chất lượng dành cho camera)
Lời khuyên: Ưu tiên nên đặt bộ nguồn adapter tại vị trí gắn camera để tránh tình trạng suy hao điện áp có thể xảy ra.
II. Vấn đề về dây cáp tín hiệu
Việc sử dụng cáp truyền dữ liệu kém chất lượng hoặc đầu jack kết nối bấm không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân khiến hình ảnh camera bị gợn sóng. Hiện nay, đối với camera Analog thường sử dụng cáp đồng trục RG59 hoặc cáp viễn thông Dropwire, còn với camera IP thường sử dụng cáp mạng CAT5, CAT5E, CAT6…
- Đối với cáp Dropwire: Loại cáp này đạt hiệu quả tốt nhất trong khoảng cách đường truyền <100m khi kết hợp với balun. Tuy nhiên, khoảng cách truyền tải có thể ngắn hơn nếu sử dụng những loại cáp kém chất lượng có tỉ lệ đồng (Cu) thấp và nhanh bhị oxy hóa. Cần hạn chế việc kéo cáp dropwire chung với đường dây điện để tránh tình trạng camera nhiễu điện 3 pha.
- Đối với cáp đồng trục (RG59): Đây là loại cáp camera analog thường được sử dụng nhất vì cho khoảng cách truyền tải dữ liệu có thể lên tới hơn 300m và chống nhiễu rất tốt. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại cáp đồng trục đều cho kết quả như nhau, việc lựa chọn những loại cáp từ những thương hiệu uy tín sẽ giúp tránh được những lỗi hệ thống camera quan sát. Khi bấm jack cho loại cáp này cần bao bọc cẩn thận hoặc quấn băng keo để khách mối nối bị oxy hóa.
- Cáp mạng UTP: Đây là loại cáp được sử dụng cho camera IP, khoảng cách đường truyền tối đa có thể lên tới 300m. Tuy nhiên, để có hình ảnh rõ nét và thời gian delay thấp nhất thì khoảng cách khuyến nghị là 100m đối với camera IP thường và 50m đối với camera IP có hỗ trợ PoE. Cũng như hai loại cáp phía trên, một lời khuyên là các bạn nên sử dụng các loại cáp mạng từ những thương hiệu uy tín, có bọc chống nhiễu và sử dụng đầu jack tương ứng với loại cáp đó để có hiệu quả tốt nhất.
III. Vấn đề về tần số dòng điện và nguồn chiếu sáng
Một số camera lắp trong môi trường có nhiều bóng đèn sẽ bị tình trạng sọc hình, nguyên nhân là do tần số quét của camera không trùng với tần số của dòng điện xoay chiều (thông thường là 50Hz hoặc 60Hz). Trường hợp này thường xảy ra đối với một số dòng camera IP, nên để xứ lý vấn đề này ta chỉ cần đăng nhập vào trình quản lý camera và chọn tần số cho phù hợp. Tuy nhiên, một số đời camera của các hãng lớn sau này đã tối ưu tính năng này một cách tự động.
Đối với camera Analog và một số dòng camera IP đời cũ chưa hỗ trợ tính năng tùy chỉnh tần số, để hạn chế tình trạng hình ảnh nhiễu gợn sóng ta không nên lắp đặt camera hướng trực tiếp về phía nguồn sáng (ngược sáng) thay vào đó nên bố trí camera sau cho hướng quan sát cùng chiều với chiều chiếu sáng của bóng đèn. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần chú ý xem camera có hỗ trợ chế độ NTSC hoặc PAL hay ko?
IV. Một số vấn đề khác
- Vấn đề camera giá rẻ: Nhìn chung giá cả hiện nay của các hãng camera tại thị trường Việt Nam tương đối tốt. Tuy vậy vẫn có nhiều người chọn những dòng camera giá rẻ không có thương hiệu nên dẫn đến chất lượng hình ảnh thu được rất kém, nhất là vào ban đêm, thường hay gặp lỗi về hình ảnh: độ màu xuống rất nhanh, nhiễu khi truyền tải ở khoảng cách xa… Vì vậy, anh em nên uy tiên chọn các loại camera từ những thương hiệu uy tín để đảm báo hiệu năng sử dụng và tính lâu bền.
- Vấn đề nối đất: Đây có lẽ là một điểm ít được các anh em quan tâm. Trên thực tế, nếu một hệ thống CCTV được nối đất đúng cách sẽ loại bỏ được tình trạng nhiễu khi truyền tải dữ liệu từ đầu ghi hình đến màn hình TV, đồng thời cũng bảo vệ thiết bị trước hiện tượng sét lan truyền.
- Vấn đề về Firmware: Rất hiếm gặp tình trạng sọc hình camera do liên quan tới firmware, tuy nhiên việc sử dụng những firmware mới nhất sẽ giúp bạn tối ưu các tính năng, thuật toán khử nhiễu trên cà camera IP và đầu ghi hình, đồng thời cũng tăng cường khả năng bảo mật cho hệ thống CCTV.