Quốc kỳ của Vatican bao gồm hai màu vàng và trắng được chia theo chiều dọc thành hai phần có kích thước bằng nhau: màu vàng (ở phía trục nâng) và màu trắng (ở vị trí bay). Ở phần màu trắng có mang Quốc huy với biểu tượng vương niệm của Đức Giáo Hoàng và phía dưới là hai chiếc chìa khóa của Thánh Phêrô đặt chéo nhau. Lá cờ Vatican thường được gọi là “cờ của Giáo hoàng” (Tiếng Ý là: Bandiera Pontificia), ra đời vào ngày 07/06/1929 khi Đức Giáo Hoàng Piô XI ký Hiệp ước La-tê-ra-nô với Ý để Vatican trở thành một Quốc gia chủ quyền do Tòa Thánh quản lý.
I. Nguồn gốc lá cờ Tòa Thánh Vatican
Lá cờ Tòa Thánh Vatican hiện tại có nguồn gốc từ các Papal States (Lãnh địa Giáo Hoàng hay Lãnh Thổ Giáo Hoàng), đây là những vùng lãnh thổ nằm trên bán đảo Ý và dưới sự quản lý của Đức Giáo Hoàng từ năm 756 – 1870. Ban đầu, Vatican sử dụng một lá cờ màu vàng và đỏ. Đến năm 1808, Đức Giáo hoàng Piô VII ra lệnh cho đội cận vệ Vatican và các đội quân khác thay thế màu đỏ bằng trắng.
Năm 1825, những lá cờ màu vàng và trắng đầu tiên sử dụng cho nhiều mục đích hàng hải khác nhau, nhưng hai dải màu vàng và trắng trong thời gian này phân cách nhau bằng đường chéo. Trên đất liền, các lá cờ này được sử dụng bởi đội cận vệ dân sự (1831 – 1848) và bộ binh của Giáo Hoàng (khoảng 1831 – 1870). Sau đó các lá cờ này đã được sử dụng bởi nhiều công dân, một số pháo đài (từ năm 1849) và đội vệ binh Palatine (từ năm 1859). Thiết kế của các lá cờ thay luôn thay đổi và thường mang nhiều biểu tượng khác nhau của đời Giáo Hoàng đương nhiệm. Nhưng màu sắc cuối cùng lá cờ bộ binh của Giáo Hoàng là một lá cờ hình vuông màu vàng – trắng và không có Quốc huy (1862-1870).
Sau khi Hiệp ước Latêranô được ký kết vào năm 1929, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã quyết định sử dụng phiên bản lá cờ năm 1825 làm quốc kỳ của Thành phố Vatican. Tuy nhiên, bản vẽ chính thức trong hiến pháp đã sử dụng hình vẽ của lá cờ bộ binh hình vuông 1862 làm mẫu.
II. Ý nghĩa màu sắc và các biểu tượng trên là cờ Vatican
Màu vàng và trắng trên lá cờ của Tòa Thánh Vatican cũng như trên Quốc huy tượng trưng cho hai kim loại quý thời xưa là vàng và bạc. Đồng thời, đây cũng là hai màu thường xuất hiện trong các phẩm phục của Đức Giáo Hoàng.
Vương niệm của Giáo Hoàng: Triều Thiên Ba Tầng (Papal Tiara) được các Giáo Hoàng sử dụng từ đầu thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ XX. Nó được sử dụng lần cuối bởi Giáo Hoàng Phaolô VI vào năm 1963, các triều đại Giáo Hoàng sau này thường sử dụng Triều Thiên Ba Tầng trong dịp lễ đăng quang. Vương niệm Giáo Hoàng tượng trưng cho việc cai quản, Thánh hóa, chăm sóc các tín hữu.
Hai chiếc chìa khóa: tượng trưng cho chiếc chìa khóa cổng Thiên Đàng mà Chúa Giêsu đã trao cho Thánh Phêrô (Mt 16, 19). Chìa khóa vàng tượng trưng cho sức mạnh tâm linh, chìa khóa bạc tượng trưng cho quyền lực thế gian. Hai chiếc chìa khóa được gắn với nhau bằng một sợi dây màu đỏ, tượng trưng cho sự gắn kết giữa hai sức mạnh.
Quốc huy của Vatican sẽ bao gồm biểu tượng triều thiêng ba tầng và hai chiếc chìa khóa bắt chéo nhau được đặt trên một tấm khiêng màu đỏ. Chiều của chìa khóa vàng bạc trên biểu tượng của thành phố Vatican sẽ ngược lại với trên biểu tượng của Tòa Thánh Vatican. Mỗi triều đại Giáo Hoàng đều có biểu tượng và huy hiệu riêng, nhưng biểu tượng và huy hiệu của Tòa Thánh và Quốc gia Vatican thì chỉ có một
III. Quy định khi sử dụng lá cờ Vatican
Quốc kỳ Vatican được treo vào các sự kiện nhà nước của Thành phố Vatican, các ngày kỷ niệm của Đức Giáo Hoàng và các ngày lễ đặc biệt của giáo hội Công giáo La Mã. Khi một vị Giáo Hoàng qua đời, cờ được treo ở độ cao nửa cột cờ, cho đến khi hoàn thành thời gian để tang 9 ngày của vị Giáo Hoàng đó.
Ngoài thành phố Vatican, lá cờ cũng được treo tại 17 khu vực của Tòa thánh, trong Thủ đô Rome, nơi được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao theo Hiệp ước Lateran năm 1929 và các thỏa thuận sau đó. Cờ Vatican cũng treo tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Tòa thánh, đặc biệt là các Sứ thần Tòa thánh (đại sứ quán của Giáo Hoàng). Người Công giáo La Mã trên khắp thế giới thường sử dụng cờ Vatican để thể hiện bản sắc Công giáo tại các nhà thờ và các cơ sở Công giáo.